Ngành bánh kẹo Việt dự kiến đạt 40.000 tỷ doanh thu
Con số trên được cho là khá ấn tượng so với doanh thu 26.000 tỷ đồng trong năm 2013 và hơn 27.000 tỷ đồng vào năm 2014. Tuy nhiên, khi so sánh với bánh kẹo ngoại nhập thì thị phần của các công ty bánh kẹo Việt Nam có phần bị lép vế.
Bánh kẹo ngoại nhập vẫn thu hút nhiều người mua dù có mức giá cao hơn khoảng 10%/sản phẩm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này là sản phẩm ngoại nhập có mẫu mã bao bì đẹp, chủng loại đa dạng, chất lượng tốt, cách thức tiếp thị phân phối chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bánh kẹo trong nước vẫn có những lợi thế nhất định. Đó là cơ hội chiếm được sự tin yêu của nguời tiêu dùng nhờ am hiểu khẩu vị, văn hóa, tập quán tiêu dùng ở thị trường nội địa.
Một số doanh nghiệp trong nước đã nhanh chóng tận dụng lợi thế này, đầu tư công nghệ để làm ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng, an toàn vệ sinh, mẫu mã… Tiêu biểu là Công ty Cổ phần Bibica (Bibica) – đơn vị chiếm 8% thị phần bánh kẹo trong nước.
Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bibica cho biết: “Để người tiêu dùng nhớ tới Bibica thì mỗi sản phẩm đưa ra thị trường phải đảm bảo chất lượng, thơm ngon, hợp khẩu vị”.
Do đó trong nhiều năm qua, bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng mẫu mã, cải tiến bao bì sản phẩm thì công nghệ sản xuất luôn được Bibica nghiêm túc đầu tư và thực hiện.
Năm 2017, Bibica chính thức đưa vào hoạt động dây chuyền Hifat tại nhà máy Bibica Biên Hòa. Đây là dây chuyền sản xuất kẹo nhập khẩu từ châu Âu với tổng giá trị đầu tư lên đến 100 tỷ đồng. Với dây chuyền khép kín đạt chuẩn quốc tế, có tính tự động hóa cao, Hifat sẽ góp phần tăng trưởng năng lực sản xuất nhóm kẹo của đơn vị lên 40%.
Đại diện Bibica cho biết, công ty đang nỗ lực để trở thành thương hiệu nội địa lớn nhất và dẫn đầu thị trường vào năm 2020.
Nguồn: Ngành bánh kẹo Việt dự kiến đạt 40.000 tỷ doanh thu – Công ty cổ phần Bibica.